Sản xuất Tâm trạng khi yêu

Ý tưởng

Theo Vương Gia Vệ thì đã có nhiều phim làm về đề tài người gốc Thượng HảiHồng Kông hoặc các nước châu Á khác nhưng ông không hài lòng với các bộ phim này vì chúng không khắc họa chính xác về cộng đồng người gốc Thượng Hải. Vốn sinh năm 1958 tại Thượng Hải, đạo diễn dự định sẽ làm một phim miêu tả chân thực về cộng đồng người gốc Thượng Hải ở Hồng Kông vào thập niên 1960.[1] Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành toàn bộ chính quyền tại Trung Quốc lục địa vào năm 1949, đã có rất nhiều người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu Thượng Hải chạy tị nạn tới Hồng Kông. Cho tới những năm 1960 thì cộng đồng người gốc Thượng Hải sống gần như biệt lập ở hòn đảo này, họ nói tiếng Quan thoại chứ không sử dụng tiếng Quảng Đông như đa phần người Hồng Kông, họ cũng có văn hóa ẩm thực, thờ cúng riêng, thậm chí có hẳn một ngành công nghiệp phim tiếng Quan thoại để phục vụ cộng đồng người gốc Thượng Hải. Vương Gia Vệ đã lớn lên trong môi trường như vậy và ông muốn tái tạo lại những ký ức về giai đoạn đó bằng ngôn ngữ điện ảnh. Mọi hình ảnh trong Tâm trạng khi yêu về thập niên 1960 đều đẹp đẽ, theo Vương đó là vì chúng xuất phát từ ký ức của ông mà trong trí nhớ thì mọi thứ đều trở nên đẹp hơn.[1] Tâm trạng khi yêu đôi khi được chuyển cảnh bằng một trích đoạn văn học ngắn, những trích đoạn này được Vương Gia Vệ lấy từ tiểu thuyết Tửu đồ (酒徒, 1963) của nhà văn Lưu Dĩ Sưởng, tác phẩm tạo cảm hứng và là tư liệu cho đạo diễn trong quá trình làm phim.[1][5] Lưu Dĩ Sưởng vốn cũng là một nhà văn và nhà báo gốc Thượng Hải di cư tới Hồng Kông năm 1948, ông viết rất nhiều bài báo ở đủ mọi đề tài, tiểu thuyết Tửu đồ của ông được Vương Gia Vệ coi là một kho tư liệu tuyệt vời về cuộc sống ở Hồng Kông những năm 1960 đặc biệt là cách mọi người suy nghĩ vào giai đoạn đó.[1]

Khi bắt đầu quay Tâm trạng khi yêu đạo diễn dự định truyện phim sẽ kéo dài từ năm 1962 tới 1972 vì tới đầu thập niên 1970 thì người Hồng Kông bắt đầu thay đổi gần như hoàn toàn về diện mạo và văn hóa ăn mặc. Bên cạnh đó kể từ những năm 1970, cộng đồng gốc Thượng Hải cũng bắt đầu hòa nhập với xã hội Hồng Kông nói chung và cộng đồng người gốc Thượng Hải của những năm 1960 chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người sống qua giai đoạn này. Tuy nhiên do những hạn chế về tài chính, sức lực và kịch bản, Vương quyết định dừng bộ phim ở năm 1966. Đây là thời điểm rất đặc biệt của xã hội Hồng Kông khi ảnh hưởng của cuộc Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc lục địa và những sự kiện bạo động ở Hồng Kông khiến cho rất nhiều người quyết định di cư khỏi hòn đảo.[1]

Kịch bản

Sau thành công của A Phi chính truyện (1990), đã có nhiều ý kiến đề nghị Vương Gia Vệ làm phần hai của bộ phim này và tới năm 1999 thì ông quyết định thực hiện Tâm trạng khi yêu, tác phẩm được coi là phần tiếp theo của A Phi chính truyện. Cùng lấy bối cảnh là Hồng Kông những năm 1960, điểm khác biệt đầu tiên của Tâm trạng khi yêu so với A Phi chính truyện là bộ phim năm 1999 nói về những người đã lập gia đình trong khi bộ phim năm 1990 đề cập tới những thanh niên độc thân. Do đã có rất nhiều phim khai thác đề tài quan hệ ngoại tình của những người đã lập gia đình nên Vương Gia Vệ quyết định nói tới một khía cạnh khác của những chuyện tình vụng trộm, đó là cách mọi người suy nghĩ và cư xử trong những câu chuyện này. Ông không muốn phán xét việc ai đúng, ai sai trong chuyện ngoại tình vì cho rằng đó là một ý tưởng nhàm chán, vì vậy Vương không cho nhân vật chồng của Tô Lệ Trân và vợ của Chu Mộ Văn xuất hiện trong Tâm trạng khi yêu, ông chỉ đề cập tới câu chuyện tình thông qua hai người trong cuộc là Tô và Chu.[1]

Từ năm 1996 Vương Gia Vệ đã lập kế hoạch thực hiện một phim ở Bắc Kinh có tựa đề Mùa hè Bắc Kinh với Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc thủ vai chính, tuy nhiên do nhiều khó khăn nên Vương đã phải bỏ dự án này và tới Argentina quay Xuân quang xạ tiết.[2][6] Tới cuối thập niên 1990 thì Vương Gia Vệ quay lại với đề tài cũ, ông dự định thực hiện một phim gồm ba phần xoay quanh ẩm thực, trong đó một phần nói về nhà hàng và tiệm mì, một phần nói về chủ tiệm ăn nhanh cùng khách hàng và một phần nói về kẻ bắt cóc và người bị bắt cóc. Phần có những cảnh trong nhà hàng và ở tiệm mì ban đầu được dự định kéo dài khoảng 30 phút, nhưng sau đó Vương Gia Vệ quyết định kéo dài câu chuyện để thực hiện Tâm trạng khi yêu. Phần nói về chủ tiệm ăn nhanh và khách hàng sau đó cũng được Vương phát triển thành My Blueberry Nights (2008), phim nói tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn.[1] Ẩm thực trong Tâm trạng khi yêu được dùng như yếu tố thời gian vì thông qua những món ăn truyền thống Trung Hoa vốn thay đổi theo mùa, người xem có thể xác định được thời điểm của câu chuyện. Ví dụ khi bà Tôn mời Tô Lệ Trân ăn bánh, người xem có kiến thức về ẩm thực sẽ biết đó là thời điểm tháng 6, tháng 7 vì những loại rau nguyên liệu của món bánh đó chỉ có vào các tháng này trong năm. Là một bộ phim có phần lớn bối cảnh, chi tiết, âm nhạc, thời gian lặp đi lặp lại, theo Vương Gia Vệ, Tâm trạng khi yêu đề cập tới sự thay đổi thông qua những chi tiết nhỏ và tinh tế, đó là thực phẩm, trang phục của Tô Lệ Trân và nhất là những thay đổi rất nhỏ trong quan hệ giữa Tô và Chu Mộ Văn.[1]

Bên cạnh những yếu tố truyền thống, trong Tâm trạng khi yêu Vương Gia Vệ còn sử dụng những chi tiết chịu ảnh hưởng từ những đạo diễn xuất sắc của điện ảnh phương Tây. Theo đạo diễn thì những cảnh đường phố trong Tâm trạng khi yêu là để gợi nhớ tới các tác phẩm Ý của Michelangelo Antonioni còn góc quay hẹp và cận cảnh trong văn phòng nhỏ thể hiện ảnh hưởng của đạo diễn Pháp Robert Bresson.[1] Theo giới phê bình thì trong Tâm trạng khi yêu, Vương Gia Vệ còn thể hiện ảnh hưởng của nhiều nhà làm phim khác như David Lean với Brief Encounter (1945), Phí Mục với Tiểu thành chi xuân (1948), Douglas Sirk với All That Heaven Allows (1955) hay Naruse Mikio với Ukigumo (1955).[7]

Quay phim

Kể từ A Phi chính truyện, Christopher Doyle luôn là người phụ trách quay phim cho các phim của Vương Gia Vệ. Trong các phim trước của Vương, Doyle thường được giao toàn quyền quyết định về mặt hình ảnh cho phim và được tự do thử nghiệm theo ý mình, tuy vậy trong Tâm trạng khi yêu Vương Gia Vệ có yêu cầu rất cụ thể về chuyển động của máy quay cũng như các lớp cảnh và theo lời Trương Mạn Ngọc thì điều này làm Doyle cảm thấy khó chịu.[8] Kết quả là Christopher Doyle rời đoàn làm phim sau 9 tháng khi Tâm trạng khi yêu mới quay được một phần ba.[1][8] Người được Vương lựa chọn thay thế ở vị trí quay phim là Lý Bình Tân, nghệ sĩ chuyên phụ trách quay phim cho Hầu Hiếu Hiền, Lý cũng từng tham gia quay nhiều phim nghệ thuật của Hồ An Hoa, Trần Anh Hùng và từng cộng tác với Vương trong Đọa lạc thiên sứ. Theo Vương Gia Vệ thì sự cộng tác với Lý Bình Tân đòi hỏi ông phải kiểm soát cả về khung hình, ánh sáng, những yếu tố vốn được giao hoàn toàn cho Christopher Doyle trong các phim trước đó. Tuy vậy sự điều chỉnh này theo đạo diễn đã giúp phần hình ảnh gắn bó hơn với nội dung của phim.[1]

Bối cảnh những năm 1960 của Tâm trạng khi yêu khiến Vương Gia Vệ rất khó khăn trong việc lựa chọn phần ngoại cảnh của phim ở Hồng Kông và Singapore, những thành phố hiện đại vốn gần như không còn dấu vết của những tòa nhà và đường phố cũ. Vì vậy bên cạnh phần nội cảnh quay trong trường quay tại Hồng Kông, phần ngoại cảnh của phim hoàn toàn được Vương Gia Vệ quay ở Phố Tàu tại Bangkok, Thái Lan, nơi mọi thứ vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ từ những năm 1960.[1] Ý tưởng của Vương Gia Vệ cho cảnh kết của bộ phim là một bối cảnh rộng lớn nơi người xem có thể quan sát mọi thứ từ một khoảng cách xa, vì vậy các nhà sản xuất đã đề nghị Vương chọn Angkor Wat vì họ có mối quan hệ tốt ở Campuchia và phần ngoại cảnh của phim cũng quay ở ngay nước láng giềng của Campuchia là Thái Lan. Bản thân Vương sau khi xem một phim tài liệu cũng đã ấn tượng với vẻ đẹp của Angkor Wat, di tích theo ông là một bảo tàng về tình yêu, niềm đam mê, sự ghen tuông, vì vậy ông đã lập tức đồng ý với đề nghị của các nhà sản xuất và kết phim ở Angkor Wat. Để tạo lý do cho nhà báo Chu Mộ Văn tới Campuchia, Vương Gia Vệ đã tìm được một sự kiện lớn đó là chuyến thăm đất nước này của tổng thống Pháp Charles De Gaulle, một đoạn phim tư liệu về chuyến thăm này đã được Vương lồng vào Tâm trạng khi yêu.[1]

Ban đầu Vương Gia Vệ dự định sẽ kết thúc quá trình quay phim vào tháng 8 năm 1999 tuy nhiên do khủng hoảng tài chính ở châu Á nên ông phải tạm ngừng quá trình sản xuất để tìm nguồn đầu tư mới cho phim, kết quả là mãi tới khi Liên hoan phim Cannes lần thứ 53 khai mạc (tháng 5 năm 2000) Tâm trạng khi yêu mới được hoàn thành để kịp tham gia dự thi chính thức. Một khó khăn khác khiến tốc độ sản xuất bị chậm lại đó là song song với việc làm Tâm trạng khi yêu, Vương Gia Vệ cũng bắt đầu thực hiện bộ phim tiếp theo của ông là 2046. Vì vậy trong khi tìm bối cảnh cho Tâm trạng khi yêu, Vương lại tìm được bối cảnh phù hợp hơn cho 2046 và ngược lại, kết quả là trong một phim khán giả đôi khi lại bắt gặp những yếu tố của phim kia. Do được tự sản xuất phim theo ý mình nên quá trình làm phim của Vương Gia Vệ thường chậm và kéo dài ngược hoàn toàn với cách sản xuất thông thường của các bộ phim Hồng Kông.[1] Vương thậm chí phải dùng tới ngày khai mạc Liên hoan phim Cannes, nơi phim của ông thường được mời tham gia thi chính thức, để làm thời hạn cuối cùng cho quá trình làm phim, bộ phim 2046 của Vương Gia Vệ do hoàn thành quá muộn nên người ta đã phải dùng tới máy bay riêng để đưa phim vừa ghép phụ đề ở Paris bay tới Cannes mới kịp buổi chiếu chính thức của phim.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tâm trạng khi yêu http://www.film.com/features/story/the-top-20-crit... http://www.hkfaa.com/history/list_20.html http://www.imdb.com/Sections/Awards/Asia-Pacific_F... http://www.imdb.com/title/tt0118694/ http://www.indiepixfilms.com/festival/69/2000 http://www.metacritic.com/video/titles/inthemoodfo... http://uk.rottentomatoes.com/m/1104325-in_the_mood... http://www.sfgate.com/cgi-bin/article.cgi?file=/ch... http://rogerebert.suntimes.com/apps/pbcs.dll/artic... http://www.time.com/time/magazine/shorttakes/0,948...